Facebook
BIDV

Củng cố kênh vốn cho hạ tầng Việt Nam

(Xây dựng) - Hội nghị thường niên Hiệp hội các định chế tài chính phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ADFIAP) lần thứ 38 vừa kết thúc tốt đẹp tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, mang lại những cơ hội mới cho hợp tác phát triển hạ tầng của Việt Nam.

Quyền Chủ tịch VDB Nguyễn Quang Dũng tại một cuộc tiếp xúc với các định chế tài chính trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: VGP/Thành Chung

Trong ba ngày diễn ra hội nghị (từ 13-15/5), các đoàn đại biểu thành viên của ADFIAP thống nhất và thông qua “Tuyên bố chung Nha Trang” với các nội dung chính liên quan tới huy động hỗ trợ tài chính, phi tài chính phát triển bền vững cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, thiết lập hệ thống hợp tác kinh doanh trong khuôn khổ hiệp hội...

Ông Nguyễn Quang Dũng, Quyền Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển Việt Nam VDB - đơn vị thành viên của ADFIAP đăng cai tổ chức sự kiện này cho biết, tính “bền vững” trong phát triển hạ tầng là điểm nổi bật trong chương trình nghị sự năm nay, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự phát triển kinh tế-xã hội của các nước đang phát triển như Việt Nam ở trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, kết cấu hạ tầng chung của Việt Nam xếp hạng 123/142 quốc gia, hệ thống cấp điện xếp thứ 109/142, đường bộ xếp hạng 123/142. Số liệu này cho thấy kết cấu hạ tầng của Việt Nam lạc hậu, thiếu đồng bộ là nhân tố ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Dũng cho biết mục tiêu phát triển bền vững hạ tầng đang đối mặt với nhiều thách thức bởi các dự án cơ sở hạ tầng thường là những dự án lớn, đòi hỏi vốn đầu tư cao với thời gian hoàn vốn dài trong bối cảnh kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn.

Ở Việt Nam, nhu cầu vốn cho kết cấu hạ tầng từ nay tới 2020 là khoảng 16 tỷ USD mỗi năm (hơn 10% GDP), nhưng khả năng đáp ứng từ ngân sách và tài trợ ODA chỉ chiếm khoảng 50%. Hơn nữa, hai nguồn này cũng đang gặp những khó khăn trong chi trả (ngân sách khó khăn và ODA có xu hướng giảm vì thu nhập bình quân đầu người tăng lên).

Ngoài khó khăn trên, ông Nguyễn Quang Dũng cũng nhắc tới khó khăn trong quản lý vốn đầu tư là trở ngại không chỉ của Việt Nam mà còn của các tổ chức thành viên nếu không có sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và giảm thiểu rủi ro về quản lý, góp phần tăng cường sự bền vững của đầu tư hạ tầng.

Tuy nhiên, những khó khăn trên đã được các tổ chức thành viên của ADFIAP tìm ra những hướng mới để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững hạ tầng (giao thông, năng lượng, nước sạch và vệ sinh môi trường,...) cho các quốc gia trong khu vực. Ông Dũng cho biết, qua đàm phán song phương giữa VDB với một số định chế tài chính đã mở ra những cơ hội huy động vốn cho một số dự án lớn.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển N&G Corp Nguyễn Hoàng đánh giá cao sự kiện này đối với sự phát triển của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như N&G Corp. Theo ông Hoàng, ngoài hợp tác với phía Nhật Bản, giai đoạn 2 của dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) do công ty này làm chủ đầu tư đã kết nối được với một số định chế tài chính từ Canada và một số quốc gia trong ASEAN để thực hiện trong năm nay với tổng số vốn lên tới 1 tỷ USD.

“Sau hội nghị này, các bên sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu, đầu tư cho dự án và các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”, ông Nguyễn Hoàng nói.

Tại hội nghị, ông Michael Andres, Giám đốc dự án Ngân hàng tái thiết Đức - một cơ quan đã từng có các dự án đầu tư tại Việt Nam cho biết: “Qua diễn biến hội nghị và trao đổi trực tiếp với VDB, chúng tôi đã hiểu thêm về những nỗ lực cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư, sản xuất kinh doanh của Việt Nam. Chúng tôi cam kết tiếp tục thực hiện các dự án và mở rộng các dự án mới ở Việt Nam về nước, môi trường, giao thông”.

Trong khi đó, ông Kirill Semenov, Phó Chủ tịch Ngân hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa của Liên bang Nga nhấn mạnh, cơ sở hạ tầng là rất quan trọng với sự phát triển của Việt Nam và đưa ra khuyến nghị Chính phủ Việt Nam và VDB cần hỗ trợ các định chế tài chính tốt hơn nữa trong việc tiếp cận với các dự án, doanh nghiệp để phát triển hạ tầng, giảm thiểu những trở ngại không đáng có về thủ tục hành chính và tiếp cận vốn đầu tư”.

Theo Thành Chung/Chinhphu.vn