Facebook
BIDV

Vai trò cộng đồng với thiết kế chỉnh trang đô thị

(Xây dựng) - Lấy ý kiến cộng đồng là một nội dung quan trong quy định bắt buộc phải thực hiện trong các đồ án quy hoạch nói chung và thiết kế đô thị nói riêng.

Đường đi bộ ven sông Hàn, Đà Nẵng

Mục đích lớn nhất của công tác này là khuyến khích và phát huy vai trò cộng đồng trong việc xây dựng, giám sát và thực thi các đồ án quy hoạch, mang lại những lợi ích thiết thực cho quy hoạch và quản lý đô thị. Tuy nhiên trong thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà nội dung này thực sự chưa phát huy hết hiệu quả. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế lấy ý kiến cộng đồng cho nội dung thiết kế đô thị (TKĐT) là rất cần thiết tại thời điểm này.

Nhà nước, kiến trúc sư và người dân là những đường thẳng song song

TKĐT hiện nay được hiểu là làm đẹp về cảnh quan. Nhưng thực chất TKĐT cần được hiểu là quy hoạch môi trường sống đô thị tốt hơn. Theo nhu cầu của cuộc sống, các đô thị có xu hướng dàn trải theo chiều ngang trong quá khứ dần có xu hướng phát triển theo chiều cao. Điều này cũng dẫn đến sự thay đổi như không gian dịch vụ ở các đô thị nằm dọc theo phố trước đây, nay phát triển theo chiều đứng, theo tầng trong các toà nhà chung cư. TKĐT thực sự phải phục vụ nhu cầu sống đẹp tiện nghi và chất lượng cho người dân đô thị.

Quan niệm TKĐT là trang trí cảnh quan hay mặt tiền là thực sự chưa đầy đủ, mới chỉ là cái vỏ, mà bỏ qua cái quan trọng hơn là công năng và hiệu quả sử dụng tạo nên sự thịnh vượng, tiện nghi và vẻ đẹp của môi trường sống. Vẻ bề ngoài không mang lại vẻ đẹp đúng nghĩa cho đô thị. Bằng công cụ TKĐT để tạo nên một đô thị “đẹp” không nhất thiết phải sạch sẽ một cách cứng nhắc mà phải trên cở sở một thực thể sống động có thể bao gồm cả các hoạt động kinh doanh buôn bán sống động mang lại lợi ích kinh tế cho công đồng nhưng vẫn đảm bảo giao thông và vệ sinh văn minh đô thị.

Các ví dụ tổ chức không gian quảng trường bằng TKĐT vừa phục vụ dân sinh, kinh doanh buôn bán theo giờ, hoạt động văn hoá cộng đồng, sinh hoạt chính trị ở các nước phương Tây có thể là một bài học kinh nghiệm hữu ích. Nhà nước chỉ đặc biệt quan tâm tới một số công trình điểm nhấn quan trọng, còn lại đô thị có tính kế thừa và tiếp nối nên nhà nước có thể sử dụng các chính sách quản lý mềm dẻo để khuyến khích đô thị tự thân phát triển.

Thời gian qua, lấy ý kiến cộng đồng đã được quy định là một trong những phần việc bắt buộc thực hiện trong các đồ án quy hoạch nói chung và cả TKĐT nhưng kết quả đóng góp của nội dung công việc này cho dự án còn chưa tương xứng. Trên thực tế, đây là một quy trình thực sự cần thiết bởi hiện nay có nhiều dự án quy hoạch và thiết kế đô thị có vấn đề trong thiết kế và thực hiện dự án, không mang lại hiệu quả thực tiễn cho cộng đồng và xã hội.

Do nhiều lý do chủ quan và khách quan, tập quán ứng xử đối với các vấn đề đô thị nói chung trong đó có nội dung TKĐT, mà cả ba chủ thể tham gia và chịu tác động trực tiếp của quy hoạch nói chung và TKĐT nói riêng là nhà quản lý, đơn vị tư vấn thiết kế và người dân là ba đường thẳng song song có xu hướng dường như không bao giờ gặp nhau.

Vẫn còn nhiều các dự án thực hiện theo chủ quan của đơn vị quản lý, kiến trúc sư nên không đúng với nguyện vọng của cộng đồng, không mang lại lợi ích cho cộng đồng. Sau khi xây xong không có sự tham gia của cộng đồng trong quản lý, sử dụng nên bị hỏng hóc, lãng phí. Thiếu sự giám sát của cộng đồng, nguồn lực của quốc gia bị thất thoát, dẫn đến các đô thị quy hoạch, TKĐT xong mà không thể sử dụng được.

Thực tế người dân phải là chủ thể tham gia duy trì và gìn giữ cảnh quan đô thị nhiều nhất. KTS và nhưng người thực hiện dự án trong quá trình thực hiện cũng cần phải thu nhận ý kiến của người dân, nhưng bằng nhiều cách và nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Càng giao lưu và thoả mãn được yêu cầu của người dân bao nhiêu thì dự án càng dễ đi vào thực tiễn bấy nhiêu. Lúc thực hiện tại thực địa cũng dễ đạt được tính đồng thuận rất cao.

Cũng phải xem lại chất lượng đóng góp ý kiến cho các quy hoạch hiện tại ở các đô thị. Trong quá trình hiện nay, ý kiến đóng góp của cộng đồng hiện mang nhiều tính chủ quan hay đơn giản chỉ là đồng ý hay không đồng ý một cách cảm tính, không chỉ rõ nguyên nhân và các lý do khoa học xác đáng. Các kiểu ý kiến đóng góp này vô tình không những không lại hiệu quả cho công tác TKĐT mà ngược trở lại làm khó cho kiến trúc sư. Chất lượng của ý kiến đóng góp cũng không đồng đều giữa các nhóm cộng đồng do trình độ nhận thức chuyên môn sâu về lĩnh vực quy hoạch đô thị của cộng đồng cũng còn nhiều hạn chế, trình độ mặt bằng dân trí không đều giữa các phần của đô thị, giữa các đô thị.

Người đại diện cộng đồng hiện nay khi tham gia đóng góp ý kiến trong nhiều trường hợp là tổ trưởng dân phố, nhưng đều là những người làm kiêm nhiệm, đôi khi lại làm việc không dựa trên quyền lợi của người dân, không gắn với quyền lợi nhân dân, biến thành công cụ thoả thuận với cộng đồng của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế.

Trong nhiều trường hợp, nhất là với các khu đô thị mới đang hình thành, cư dân tập trung chưa đông hoặc mua nhà không có phải phục vụ mục đích để ở, cư dân có tên trên giấy tờ nhưng ít khi cư trú tại địa bàn. Quá trình lấy ý kiến cộng đồng phục vụ cho công tác quy hoạch và TKĐT đối với các khu vực này thực sự khó khăn thậm chí không thể thực hiện được.

Hệ thống văn bản pháp quy chưa thống nhất, còn bị chồng chéo, gây khó hiểu với cộng đồng, làm giảm hiệu quả, tính khoa học thực tiễn và hiệu lực của ý kiến đóng góp.

Ở các nước tiên tiến trong khu vực, quy trình lấy ý kiến cộng đồng được quy định và có tính ràng buộc về pháp lý rất cao, được pháp luật bảo hộ và giám sát chặt chẽ. Nếu cộng đồng phủ quyết thì quy hoạch sẽ không được thông qua, cũng như đề cao vai trò giám sát của cộng đồng.

Để tránh hiện trạng ý kiến cộng đồng “cãi chày cãi cùn” làm cản trở quá trình thực hiện và thực thi các đồ án quy hoạch nói chung và nội dung TKĐT nói riêng, gây kéo dài thời gian thực hiện dự án, làm lãng phí các nguồn lực của xã hội, một số nước như Trung Quốc, Singapore còn sử dụng hình thức thoả thuận nhưng có tính áp đặt cao, khống chế và giới hạn thời gian trao đổi bàn luận của cộng đồng, tập trung ý kiến của cộng đồng vào các vấn đề chính, then chốt, giúp mang lại những hiệu quả nhất định cho trong hoàn cảnh trình độ nhận thức chung của xã hội còn chưa theo kịp những đòi hỏi và tốc độ phát triển nhanh của công tác quy hoạch ứng với các hoàn cảnh thực tế. Cùng với đó, cũng phải hạn chế sự áp đặt thái quá hay chủ nghĩa hình thức trong lấy ý kiến cộng đồng để tránh các bất ổn về mặt kinh tế, xã hội, cộng đồng đối với cư dân và cơ quan quản lý đô thị.

Cảnh quan sau cải tạo tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.

Xây dựng cơ chế phát huy nội lực cộng đồng

Một cơ chế tốt lấy ý kiến cộng đồng là hướng mọi chủ thể thực hiện cùng tham gia dự án, hiểu kỹ về dự án và cùng có trách nhiệm đóng góp hiệu quả cao nhất cho dự án, hướng tới mục tiêu tạo nên một môi trường đô thị đẹp - tiện nghi - bền vững.

Trong hoàn cảnh kinh tế và phát triển đô thị bùng nổ, trước yêu cầu cấp bách của đòi hỏi thực tiễn, cần xây dựng cơ chế lấy ý kiến cộng đồng theo hình thức “vừa kín vừa hở”, mềm dẻo để có thể vận dụng linh hoạt đối với nhiều hình thái cộng đồng dân cư với nhiều kiểu và trình độ phát triển khác nhau. Thậm chí xây dựng cả những quy trình ưu tiên hướng dẫn nhiều hơn cho cộng đồng do hạn chế trình độ dân trí để người dân có tiếng nói trong các dự án và đương nhiên cũng cần được chia sẻ các lợi ích trực tiếp của dự án.

Cần xây dựng một quy trình chung để người dân được tham gia đóng góp trực tiếp vào dự án đối với các vấn đề bức thiết và mang lại lợi ích cho dự án. Tránh tình trạng người dân góp ý lan man, ý kiến thu nhận được không đóng góp nhiều cho việc thực hiện dự án theo kiểu tình trạng cha chung không ai khóc.

Đặc biệt quy trình phải gắn chặt và nêu cao tình thần trách nhiệm của các bên tham gia trong quá trình thực hiện dự án một cơ chế ràng buộc được 3 chủ thể này với nhau. Xây dựng một quy trình chuẩn xác về lấy ý kiến cộng đồng bao trong tất cả các giai đoạn thể hiện rõ vai trò và quyền hạn của các bên tham gia ở mức độ nào. Phải hoàn thiện cơ chế để phát huy sức mạnh và ý chí cộng đồng. Mỗi tác nhân tham gia dự án như KTS, nhà quản lý và người dân đều ý là những người có trách nhiệm thực sư với dự án.

Các bước thực hiện lấy ý kiến cộng đồng có thể bao gồm:

- Bước 1 - Ngay khi lập dự án. Vì mỗi dự án đều có ảnh hưởng đến cộng đồng về các mặt môi trường tự nhiên, xã hội, mật độ, giao thông… nên cộng đồng phải tham gia cho ý kiến thực hiện dự án phủ quyết hay đồng ý.

- Bước 2: Tiến hành sau khi hoàn thành thiết kế sơ bộ (kiến trúc, không gian, hạ tầng…), tiến hành trưng bày lấy ý kiến cộng đồng để cộng đồng tham gia đóng góp và chỉnh sửa.

- Bước 3: Thực hiện sau khi có thiết kế hoàn chỉnh. Cộng đồng tham gia xét duyệt thông qua và thực hiện quy hoạch.

- Cần quy định rõ ý kiến đóng góp dù đồng ý hay không đều phải chỉ rõ nguyên nhân lý do tại sao dựa trên cơ sở và chứng cứ, số liệu mang tính khoa học và hiện thực, được lượng hoá một cách rõ ràng. Kiên quyết loại bỏ các ý kiến mang tính trừu tượng, cảm tính hay duy ý chí.

Các yêu cầu chỉ ra nguyên nhân cụ thể cho các ý kiến đồng ý hay phủ nhận một cách tích cực cũng làm tăng hiệu quả phản biện xã hội của cư dân. Chính quyền và người dân trong nhiều trường hợp cần phải thuê các đơn vị thẩm tra và tư vấn độc lập để có thể có được các thông số chính xác (như kiểm tra độc lập về chất lượng nước môi trường…minh họa cho ý kiến phản biện của mình.

- Quy định rõ nếu trong vòng 6 tháng cộng đồng không trả lời được, hoặc góp ý không thoả đáng thì ý kiến phủ quyết sẽ không được xem xét.

- Quy trình lấy ý kiến cộng đồng không có nghĩa là phó mặc cho người dân góp ý một cách tự phát, tránh tình trạng chờ đợi kéo dài thời gian thực hiện dự án do chưa cho ý kiến cộng đồng, hạn chế lãng phí tiền bạc, nguồn lực.

- Quy định tiến hành lấy kiến của các đại diện các giới và lứa tuổi trong cộng đồng. Các đại diện được cộng đồng bầu ra và phải có hiểu biết nhất định, thực sự độc lập với chính quyền, có trách nhiệm gắn chặt với quyền lợi của cư dân và chịu trách nhiệm với pháp luật.

- Nên quy định tỷ lệ chấp thuận của cộng đồng xấp xỉ 2/3 thì dự án mới được thông qua.

- Xây dựng các giới hạn cụ thể trong các giai đoạn lấy ý kiến (về thời gian lấy ý kiến, các vấn đề chính cần tập trung).

Trong một số hoàn cảnh cụ thể, có thể thực hiện các bước mang tính áp đặt tương đối đối với các bên tham gia dự án nhưng không chỉ đối với người dân mà cả chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế để đẩy nhanh quá trình đưa dự án vào sử dụng. Các mô hình của các nước có trình độ phát triển cao nếu áp dụng ngay với điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay cần được lựa chọn và điều chỉnh cho phù hợp.

Xây dựng cơ chế lấy ý kiến cộng đồng là thực sự khơi dậy và phát huy nội lực, sức mạnh của cộng đồng phục vụ cho công tác quy hoạch và quản lý đô thị. Quy trình phải giúp làm rõ cho các bên tham gia đều thấy cái lợi từ dự án và có cơ chế hài hoà mâu thuẫn về lợi ích giữa các chủ thể. Hiệu quả mang lại cho xã hội cộng đồng phải được chủ đầu tư cam kết thực hiện. sau khi hoàn thành, nếu hiệu quả mang lại không đúng với cam kết, nên có những hình thúc quy trách nhiệm đối với chủ đầu tư và đơn vị tổ chức thực hiện dự án.

Cần tăng cường quá trình thực thi và giám sát thực hiện đối với công tác quy hoạch và thiết kế đô thị. Trong một số giai đoạn, vai trò giám sát và phản biện của cộng đồng đối với các dự án quy hoạch nói chung và dự án thiết kế đô thị nói riêng cần được nâng cao hơn và được pháp luật công nhận chính thức.

Không nên quan niệm lấy ý kiến cộng đồng là một cách thoả hiệp trước mà nên quan niệm lấy ý kiến cộng đồng là để xác định được các mục tiêu cụ thể của dự án để từ đó quá trình thực hiện dự án mang tiết kiệm được nhiều nguồn lực xã hội nhất, đồng thời mang lại hiệu quả thực tiễn cao nhất.

Tuyên truyền sâu rộng để mọi người dân phải hiểu được ý nghĩa cao nhất của cộng đồng sau khi thực hiện dự án là nâng cao chất lượng sống và giá trị bền vững. Người dân khi được hưởng lợi cũng cần hiểu được giới hạn và trách nhiệm của mình, tránh tình trạng các dự án sau, các đòi hỏi về mặt lợi ích cao hơn dự án trước trên cơ sở cùng một hoàn cảnh địa lý, xã hội. Các yêu cầu cao hơn đều phải chỉ ra nguyên nhân cụ thể từ các đòi hỏi của cư dân.

Xây dựng quy trình phân cấp trong quản lý sau quy hoạch để có người dân tham gia. Giảm được áp lực quản lý và xây dựng của Nhà nước thông qua. Chính sách giao cụ thể để cộng đồng tham gia thực hiện trên cơ sở có các định hướng lớn và có cơ chế giám sát và quy trách nhiệm thực thi. Ví dụ trong quá trình xây dựng đô thị, nhà nước thực hiện các hạng mục lớn, các hạng mục nhỏ hơn có thể giao và khuyến khích cộng đồng tham gia. Hiện nay, cũng có rất nhiều các cộng đồng có nguồn lực mạnh có thể tham gia trồng cây xanh, tổ chức thu dọn vệ sinh…

Như vậy, cộng đồng cũng có cơ hội thực hiện theo mong muốn riêng, thu được lợi ích trực tiếp, tránh được quan liêu về quy hoạch (như trồng cây và giữa cửa nhà đang cho thuê để kinh doanh), tạo nên bản sắc riêng về kiến trúc cảnh quan. Đồng thời, các cán nhân của cộng đồng có ý thức giữ gìn, đảm bảo vệ sinh và sử dụng lâu dài cũng được nâng cao. Có cơ chế bãi miễn đối với các cá nhân đại diện không hoàn thành trách nhiệm. Nhà nước có điều kiện tiết kiệm và tập trung nhiều nguồn lực hơn cho các cộng đồng kém phát triển hơn.

Một số trường hợp trong quá trình lấy ý kiến cộng đồng, đơn vị tư vấn thiêt kế phải phát huy được vai trò trung gian thoả mãn lợi ích cho các bên, chỉ ra được lợi ích cho người dân và nhà nước, thậm chí là vai trò hòa giải về tranh chấp quyền lợi giữa các hộ gia đình trong cùng một khu vực dự án trước khi có tiếng nói cuối cùng với chủ đầu tư.

Hoàn thiện cơ chế lấy ý kiến cộng đồng cho đồ án quy hoạch nói chung và nội dung thiết kế đô thị nói riêng là việc làm hết sức cần thiết lúc này. một cơ chế trong đó khuyến khích và phát huy được sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng trong việc ra quyết định, thực hiện giám sát với các dự án đô thị chắc chắn sẽ mang lại ý nghĩa tích cực cả trong ngắn và dài hạn, góp phần tạo nên bộ mặt đô thị đầy bản sắc và có chất lượng tiện nghi sống cao.

TKĐT cần được hiểu là làm môi trường sống đô thị tốt hơn. Lấy ý kiến cộng đồng đã được quy định là một trong những phần việc bắt buộc thực hiện trong các đồ án quy hoạch nói chung và cả nội dung TKĐT nhưng kết quả đóng góp thực tế của quá công việc này cho dự án còn chưa tương xứng. Một quy trình thực sự cần thiết để hạn chế dự án quy hoạch và TKĐT có vấn đề trong thiết kế và thực hiện dự án, không mang lại hiệu quả thực tiễn cho cộng đồng và xã hội.

Một cơ chế tốt nhất lấy ý kiến cộng đồng là hướng mọi chủ thể thực hiện cùng tham gia dự án, hiểu kỹ về dự án và cùng có trách nhiệm đóng góp hiệu quả cao nhất cho dự án, cùng hướng đến mục tiêu tạo nên một môi trường đô thị đẹp - tiện nghi - bền vững, khơi dậy và phát huy nội lực, sức mạnh của cộng đồng phục vụ cho công tác quy hoạch và quản lý đô thị.

GS. TS. KTS Đàm Thu Trang/TCKTVN