Đừng dồn gánh nặng cho con cháu!
Chỉ sau chưa đầy 2 tuần tổ chức thông xe dự án BOT Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long dài 30 km với tổng mức đầu tư 2.838 tỷ đồng, có ít nhất 8 vị trí bị nứt vỡ, lún bề mặt bê tông nhựa.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã có lần nhận xét: “Tiền ngân sách của chúng ta không đủ để chi thường xuyên, không có một đồng nào để tích lũy đầu tư phát triển. Tất cả đầu tư phát triển đều là vốn vay. Ngân sách của chúng ta chỉ để lo lương, an sinh xã hội chứ không có đồng nào để đầu tư”.
Trong khi đi vay để trả nợ, bội chi ngân sách lại ngày càng gia tăng, năm 2011 là 112.034 tỷ đồng, năm 2012 là 154.126 tỷ đồng, năm 2013 là 190.250 tỷ và chưa có dấu hiệu giảm. Với hoàn cảnh ấy, không lo không được.
Lẽ đương nhiên, lo là một chuyện, còn bắt tay vào việc lại là chuyện khác.
Một trong những nguyên nhân mà nhiều người nhắc đến là thói vô trách nhiệm, sự lãng phí, đầu tư kém hiệu quả, bớt xén, tham nhũng… trong lĩnh vực đầu tư công nhưng không hiểu sao, chúng vẫn hồn nhiên xảy ra cứ như trời bắt vậy.
Hôm mới đây, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), cho biết chỉ sau chưa đầy 2 tuần tổ chức thông xe dự án BOT Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long dài 30 km với tổng mức đầu tư 2.838 tỷ đồng, có ít nhất 8 vị trí bị nứt vỡ, lún bề mặt bê tông nhựa, trong đó có vị trí lún sâu tới 6 - 7cm, tạo sống trâu, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.
Hàng núi tiền đổ ra như thế, ngỡ rằng sẽ đem lại cho người dân ở vùng này một công trình “đáng đồng tiền bát gạo” thì giờ đây lại là một gánh nặng cho con cháu mai sau phải trả nợ.
“Góp gió thành bão”, cứ lãng phí như thế, cứ vô trách nhiệm như thế, cứ bớt xén như thế… nên tình trạng nợ công của nước nhà đáng lo lắng hơn nhiều như nhiều người tưởng.
Theo TS Lê Đăng Doanh, nếu cộng cả nợ Chính phủ (năm 2012 là 55,7% GDP) với nợ của các DNNN (51% GDP) thì tỷ lệ nợ công trên GDP của nước ta đã đạt 106,7% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn 65% GDP mà Ngân hàng Thế giới và Quốc hội nước ta đã đặt ra.
Thực tế cho thấy vay nợ nước ngoài, nếu không trả được thì Chính phủ phải đứng ra dàn xếp và trả nợ thay như đã xảy ra với Vinashin, Vinalines... Xu thế đáng lo ngại này đang có chiều hướng tăng lên khi Chính phủ đã phải xin Quốc hội cho phép tăng tỷ lệ bội chi ngân sách từ mức 4,8% GDP năm 2013 lên 5,4% GDP cho năm nay.
Ông cho rằng, điều đặc biệt đáng lo ngại là đã xuất hiện tình trạng vay nợ mới để trả nợ cũ và vay nợ để chi tiêu chứ không chỉ vay nợ để đầu tư.
Cũng may là con cháu chúng ta chưa biết đến điều này.